Trong những năm gần đây, nhu cầu về dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam đã tăng mạnh mẽ do một số nguyên nhân như (i) Việt Nam là một nước xuất khẩu mạnh về thuỷ hải sản và nông sản, (ii) những xu hướng kinh doanh và tiêu dùng mới trong nước như mua sắm thực phẩm trực tuyến, sử dụng thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm organic, chuỗi cửa hàng nhượng quyền thương mại, (iii) gia tăng nhu cầu phân phối vắc-xin và dược phẩm cũng như các chế phẩm sinh học. Trong xu thế chuỗi cung ứng lạnh đã và đang trở thành điểm nóng trong ngành Logistics tại thị trường Việt Nam, bài viết này sẽ mang lại cái nhìn tổng hợp về thực trạng thị trường chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam và phân tích những tiềm năng phát triển trong tương lai.
Chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam bao gồm hai cấu phần chính Kho lạnh và Vận tải lạnh. Trong đó, kho lạnh được chia thành hai nhóm chính là nhóm kho lạnh thương mại của các công ty logistics và nhóm kho lạnh nội bộ của các nhà sản xuất hoặc hộ gia đình. Tương tự, vận tải lạnh cũng có thể được thực hiện bởi các công ty vận tải (chiếm tỷ trọng lớn) hoặc được tự thực hiện bởi các doanh nghiệp sản xuất hay các hộ gia đình (một phần nhỏ).
Về thị trường: Thị trường kho lạnh thương mại ở Việt Nam được đánh giá là khá tập trung và được thống lĩnh bởi một số doanh nghiệp lớn trong ngành. Một số cái tên lớn có thể kể ra ở đây là Meito, Lineage, AJ Total, ABA Cooltrans, và Transimex. Phân chia theo loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế hơn so với các doanh nghiệp trong nước trong thị trường chuỗi cung ứng lạnh này. Về mặt địa lý, các kho lạnh thương mại tập trung chủ yếu ở miền Nam với hơn 80% tổng công suất kho lạnh của cả nước, miền Bắc và miền Trung lần lượt đóng góp 9% và 3% (theo Báo cáo Logistics năm 2020). Điều này xuất phát từ thực tế là miền Nam là nơi đặt hầu hết các nhà máy sản xuất hàng thực phẩm tiêu dùng, cũng là nơi nuôi trồng, chế biến các sản phẩm thuỷ hải sản phục vụ xuất khẩu.
Về công nghệ: Đa phần các doanh nghiệp lớn đều đã ứng dụng công nghệ trong vận hành thông qua việc triển khai phần mềm quản trị kho lạnh hoặc tự động hoá các hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ mới chỉ ứng dụng phần mềm rất đơn giản và chưa tự động hoá.
Về tiềm năng và xu hướng phát triển: Thị trường kho lạnh của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 295 triệu đô la Mỹ vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 12 điểm phần trăm theo Cushman & Wakefield. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận thức được sức nóng và tham gia ngày càng nhiều vào thị trường này. Về mặt khu vực địa lý, thị trường miền Nam đã tương đối bão hoà, thị trường miền Bắc và miền Trung đang phát triển tăng mạnh về nhu cầu. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về thực trạng thị trường và công nghệ: Hiện nay thị trường kho lạnh nội bộ tương đối phân tán, chủ yếu là của các doanh nghiệp nông, thuỷ, hải sản quy mô nhỏ với mức độ ứng dụng công nghệ thấp. Theo khảo sát đối với các đơn vị kinh doanh nhóm nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ tháng 6 năm 2021 thì 83% không thực hiện lưu trữ lạnh vì thu hoạch xong giao luôn cho thương lái, 11% cần được lưu trữ nhưng chỉ lưu trữ ở nhiệt độ bình thường, chỉ có 6% đang lưu trữ lạnh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hao hụt về số lượng và giá trị hàng hoá cũng như điểm hạn chế tiềm năng xuất khẩu cho những sản phẩm này.
Về tiềm năng và xu hướng phát triển: Cũng trong khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Cần Thơ về nhu cầu về lưu trữ lạnh trong tương lai trong chuỗi nông sản, có tới 67.7% người được khảo sát có nhu cầu được lưu trữ lạnh sản phẩm của mình cho các mục đích thương mại. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này trong thời gian tới nhất là đối với thị trường miền Bắc và miền Trung, nhóm doanh nghiệp nông sản và dược phẩm cùng các đơn vị kinh doanh bán lẻ quy mô nhỏ. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia đầu tư và các doanh nghiệp trong nước cần tích cực học hỏi về các khía cạnh như (i) xây dựng và setup nhà kho, (ii) công nghệ vận hành, thiết bị (pallet, giá kệ) thông minh, bí quyết kinh nghiệm vận hành kho lạnh thông minh và hiệu quả.
Về thị trường và công nghệ: Theo nhận định của các chuyên gia thì thị trường vận tải lạnh Việt Nam hiện nay khá phân tán, ít doanh nghiệp lớn, nhiều nhà vận tải nhỏ, với nhiều cung đường vận chuyển khác nhau do đặc điểm về phía cầu. Về mặt công nghệ, các doanh nghiệp trên thị trường chưa ứng dụng nhiều các hệ thống quản lý vận tải TMS trên toàn bộ hệ thống để truy xuất được các thông tin từ kho cho đến điểm cuối của quá trình vận tải mà chỉ dừng lại ở ứng dụng công nghệ định vị GPS.
Về tiềm năng và xu hướng phát triển: Tương tự như kho lạnh, tiềm năng của thị trường vận tải lạnh cũng vô cùng lớn nhưng cũng đặt ra những áp lực đổi mới và cải tiến hệ thống phương tiện và hoạt động vận hành với những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này. Xuất phát từ những nhu cầu và đòi hỏi ngày càng khắt khe từ khách hàng cũng như xu hướng phát triển của thương mại điện tử và các cửa hàng tiện lợi, thị trường vận tải lạnh Việt Nam nhu cầu về những chiếc xe tải lạnh mà có thể có nhiều dải nhiệt độ khác nhau, nhiều khoang thông minh để kết hợp được các hàng lạnh, hàng mát, và hàng tươi phục vụ cho giao hàng chặng cuối. Vận tải lạnh bằng đường thuỷ cũng đang là hướng đi mới để giảm áp lực về chi phí và vấn đề tắc nghẽn mùa cao điểm. Khi mà tiềm năng thị trường ngày càng tăng thì cũng yêu cầu đảm bảo đủ lượng vỏ container lạnh cũng như nhu cầu về vật liệu bao gói đủ nhẹ, linh hoạt, và giữ được nhiệt độ trong thời gian dài. Bên cạnh đó các phương tiện vận tải cũng cần đủ thông minh và linh hoạt trong việc gom ghép hàng lạnh, cung cấp khả năng truy xuất nhiệt độ và tối ưu hành trình.
Kết luận: Với tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), sự bùng nổ của thương mại điện tử, và các công ty đa quốc gia tiếp tục tìm hiểu cơ hội mở rộng dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh (kho lạnh, vận tải lạnh) tại Việt Nam, thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam sẽ rất khởi sắc và còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai gần. Các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có thể khai thác những cơ hội này thông qua những buổi triển lãm, xúc tiến thương mại hai chiều, thực thi các chương trình nhiệm vụ khoa học trong phát triển các giải pháp logistics lạnh cho những mặt hàng trọng điểm của quốc gia, các vùng, và các địa phương.
Trụ sở chính: 6A ngõ 45 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội
Tel: 024 3728 1801 – Fax: 024 3728 1800
Chi nhánh Hồ Chí Minh: 384/42 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, TP. HCM
Tel: 028 3526 8258 – Fax: 028 3526 8258
Hotline: 0902637970
Nguồn: Bài viết này được trích từ bài trình bày của Bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VINAFCO tại Hội nghị trực tuyến “Chuỗi cung ứng lạnh thông minh Đài Loan” ngày 27/7/2022.